Di tích thành cổ Pác Pha - Minh Xuân
Theo sử sách ghi lại, Nhà hậu Lê (1427 – 1789) sau thời thịnh trị cuối thế kỉ 15 đã bắt đầu suy yếu dần. Võ tướng Mạc Đăng Dung đứng ra trấn áp các cuộc nổi dậy nắm quyền hành triều Lê, giành ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc. Trước tình hình rối ren đó, các cuộc khởi nghĩa chống Mạc phù Lê diễn ra khắp nơi từ Thanh Hóa đến Tuyên Quang, Hưng Hóa. Cuộc chiến Lê – Mạc kéo dài trong suốt 50 năm, đến năm 1552 một số cựu thần nhà Lê chiếm được Thăng Long, đẩy nhà Mạc lên Cao Bằng.
Trong khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, lập nên nhà Mạc, hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật chiếm cứ Tuyên Quang, Hưng Hóa một vùng đất rộng lớn bao gồm toàn khu vực Việt Bắc, từ Ninh Bình trở ra. Như vậy, phần đất cai trị của hai anh em nhà họ Vũ rộng lớn hơn nhà Mạc, dân số họ Mạc lại gấp hơn 20 lần họ Vũ, hai nhà chống giữ nhau hơn 100 năm, không phân thắng bại. Khi người anh trai là Vũ Văn Uyên mất, Vũ Văn Mật lên nắm quyền, mở rộng bờ cõi và để tăng cường lực lượng, xây dựng căn cứ phòng thủ chống nhà Mạc, Vũ Văn Mật dời căn cứ từ thành Nghị Lang sang xây thành đắp lũy trên gò Bầu. Xây dựng nhiều thành khắp các Châu, Phủ như thành Nghị Lang ở Lương Sơn, Thành Cát Tường ở Khánh Vân, Thành Pắc Pha ở xã Đà Lương, Châu Lục Yên… về sau gọi chung là Thành Bầu. Theo các tài liệu lịch sử thì thành Pắc Pha có thể xây dựng vào khoảng thời niên hiệu Nguyên Hòa (Lê Trang Tông 1533 – 1548).
Thành Pắc Pha gắn liền với việc củng cố và xây dựng lực lượng của họ Vũ trong suốt 200 năm, thành có vị trí chiến lược quân sự, kinh tế xã hội quan trọng. Thành cổ Pắc Pha thuộc xã Đà Lương, tổng Lâm Trường Hạ, Châu Lục Yên, Trấn Tuyên Quang, hiện nay thành cổ này thuộc địa phận thôn Trần Phú, Thôn Trang Thành xã Minh Xuân và thôn 14, 15 xã Yên Thắng, huyện Lục Yên. Thành được xây dựng dưới dãy núi Pác Pha, núi Thăn Mu Đóong và dãy núi đá vôi có đỉnh Vàng Anh cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, hiểm trở tạo thành tường thành vững chắc, xung quanh có ngòi Biệc và ngòi Vặc tạo thành hào ngăn cách.
Thành Pắc Pha thể hiện sự sáng tạo độc đáo, tài tình của cha ông ta trong việc xây dựng thành lũy, là căn cứ phòng thủ “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, nó không chỉ là dinh thự của họ Vũ mà còn là nơi đồn trú, củng cố, xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh. Đây là một trong những dấu tích còn lại của họ Vũ trong công cuộc phù Lê, diệt Mạc.
Việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa sẽ góp phần trong việc giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, là địa chỉ về nguồn cội của lớp lớp thế hệ ngày hôm nay và mai sau để có dịp ôn lại truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích.